Quả Sấu: Công Dụng Tác Dụng Đối Với Sức Khỏe. Tên tiếng Việt: Sấu, Long cóc, Giá trắng, Mạy chủ (Tày). Tên khoa học: Dracontomelon duperreanum DC. Công dụng: Chữa ngứa cổ, ho, long đờm, thanh giọng, giải say rượu, chữa phong độc, khắp mình nổi mẩn, mụn cóc sưng lở, ngứa. Chữa lở loét. ..
A. Mô tả cây giới thiệu về cây Sấu
Cây to có thể cao tới 30m hay hơn nữa. Lá kép lông chim lẻ, mọc cách.
Hoa mọc thành xim. Hoa đều, lưỡng tính có 5 lá đài, 5 cánh, 10 nhị, 5 lá noãn làm thành một bầu 5 ô với 5 vòi nhuỵ. Quả hạch, vị chua. Mùa quả: tháng 7-9.
B. Phân bố, thu hái và chế biến quả Sấu
Cây mọc hoang và hay được trồng lấy bóng mát, lấy quả và gỗ.
Quả thu hái vào các tháng 7-9. Để nguyên quả nấu canh hay làm tương sấu, mứt sấu. Sau khi thu hoạch quả về, bóc lấy thịt, bỏ hạt phơi hay sấy khô rồi dùng chế thành tương hay mứt.
C. Thành phần hoá học
Trong quả sấu chín có 86% nước, 1% axit hữu cơ, 1,3% profit, 8,2% gluxit, 2,7% xenluloza, 8% tro. 100mg% canxi, 44mg% P, vết sắt và 3mg% vitamin C.
D. Công dụng và liều dùng
Hoa và quả sấu được dùng làm thuốc chữa ho: Ngậm quả sấu với ít muối, hay sắc quả sấu với nước, thêm đường cho đủ ngọt mà uống.
Ngày uống từ 4 đến 6g phần thịt quả.
Ngoài ra, sấu còn được dùng nấu canh, làm tương, mứt và ô mai sấu (sấu tẩm nước gừng, muối và cam thảo).
Công dụng của quả sấu trong điều trị bệnh
Trong các nghiên cứu Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua ngọt, tính mát, tác dụng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, giảm ho, tiêu đờm nên được sử dụng để chữa nhiều bệnh như: nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…
Chữa nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng
Do quả sấu có tính mát nên được sử dụng như một bài thuốc trị nhiệt miệng, giải khát, chữa đau họng, phong độc nổi khắp người, mụn nhọt, sưng lở, ngứa hoặc đau…
Cách làm đơn giản, chỉ cần dùng quả sấu hãm với nước sôi, uống trong ngày, dùng liên tục trong 1 tuần sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện rõ. Ngoài ra, có thể lấy quả sấu chín đem dầm với muối hay đường để ăn trong ngày.
Chữa nôn do thai nghén
Một trong những tác dụng của quả sấu chính là chữa nôn nghén cho bà bầu. Quả sấu xanh đem ngâm lấy nước uống sẽ giúp bà bầu giảm chứng buồn nôn. Tuy nhiên, các mẹ bầu chỉ nên uống nước sấu ngâm có chừng mực, bởi các tác dụng của nước sấu ngâm đường khi dùng nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
Chữa ho
Một tác dụng khác của quả sấu ngâm đường chính là dùng để chữa ho. Dùng nước sấu khô ngâm với muối, ngậm từ 3 – 5 lần/ ngày, ngậm vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ sẽ giúp làm giảm các cơn ho.
Giúp giải rượu
Sử dụng quả sấu khô hãm với nước sôi để uống, cứ 30 phút uống 1 lần sẽ giúp bạn vượt qua cơn say rượu một cách dễ dàng
Tăng cường tiêu hóa, ăn uống ngon miệng
Công dụng của trái sấu còn được biết đến như một ‘chất’ kích thích ăn uống. Quả sấu tươi đã cạo sạch vỏ hấp với đường, khi uống thì pha thêm nước hoặc dùng sấu nấu canh chua cũng đều có tác dụng giúp thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa và giúp ăn ngon miệng hơn.
Một số món ăn ngon từ quả sấu
Tác dụng của quả sấu không chỉ tốt cho sức khỏe mà chính vị chua của sấu đã tạo nên sự đặc biệt, sức hấp dẫn cho các món ăn. Quả sấu được dùng trong các món ăn đơn giản, dễ nấu, không đòi hỏi nhiều nguyên liệu phụ.
Quả sấu thường dùng để nấu canh chua cùng với thịt nạc, canh cá hay món sườn nấu sấu,… Vị chua của sấu sẽ tạo ra được vị chua thanh mát cho món ăn. Một số món ăn có tính cầu kỳ hơn như: cá kho sấu, vịt om sấu… cũng được nhiều người ưa thích.
Các món ăn vặt từ quả sấu gồm có: sấu ngâm muối, sấu ngâm đường, sấu ngâm mắm, ô mai sấu…
Những ai không nên ăn và uống nước sấu ngâm
Quả sấu khi còn xanh sẽ có vị chua nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không nên dùng.
Không nên ăn sấu khi đang đói vì nó có thể làm bụng cồn cào, có hại cho dạ dày.
Trẻ dưới 1 tuổi nên hạn chế sử dụng loại quả này vì hệ tiêu hóa của trẻ còn rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.
Tác dụng của nước sấu ngâm đường giúp giải nhiệt mùa hè, tuy nhiên, sấu thường được ngâm với lượng đường vượt mức cho phép nên nếu uống nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, lâu dài có thể làm suy giảm chức năng tụy, tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch và huyết áp.
Lưu ý khi chọn và bảo quản quả sấu
Những quả sấu xanh mướt, da mịn, trơn bóng thường là những sấu còn non; chỉ nên mua để nấu canh hoặc sử dụng trong một vài ngày.
Với quả sấu xanh nên chọn loại có cùi dày để được nhiều thịt chua. Không nên lựa chọn quả sấu quá già vì chúng sẽ có hạt to, ít chua.
Chọn sấu ngâm nên chọn loại vừa già tới (cùi dày, vỏ hơi sần). Không nên ngâm sấu non vì dễ bị úng do hạt sấu còn mềm.
Để dự trữ sấu ăn quanh năm, bạn cần bảo quản sấu trong ngăn đá tủ lạnh, chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ để tiện sử dụng.