Trang chủ / Sức Khỏe / Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 30

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 30

Rate this post

TUẦN 30 của thai nhi

Bé phát triển như thế nào?

Bây giờ em bé của bạn đã dài khoảng 40cm và nặng khoảng 1.3kg (tương đương kích thước của một bắp cải). Có 1.5 lít nước ối bao quanh cơ thể bé, nhưng khối lượng nước ối sẽ giảm đi khi bé lớn hơn và chiếm thể tích nhiều hơn trong tử cung của mẹ. Thị lực của bé tiếp tục phát triển, dù không được nhanh cho lắm; ngay cả sau khi sinh ra, bé vẫn nhắm mắt phần lớn thời gian trong ngày. Khi mở mắt, bé sẽ phản ứng với những thay đổi của ánh sáng, nhưng chỉ đạt 20/400 thị lực – có nghĩa bé chỉ có thể nhìn thấy những vật cách mặt mình khoảng 5cm. (Thị lực bình thường của người lớn là 20/20).

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?

Bạn có thể sẽ cảm thấy hơi mệt mỏi trong những ngày này, nhất là nếu bạn đang bị khó ngủ. Bạn cũng có thể sẽ cảm thấy vụng về hơn bình thường, đó là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bạn không chỉ nặng hơn, mà trọng lượng tập trung ở bụng làm cho trọng tâm cơ thể bị thay đổi. Ngoài ra, do sự thay đổi hormone khiến dây chằng và các khớp trở nên lỏng lẻo, có thể góp phần khiến bạn bị mất thăng bằng. Ngoài ra, sự giãn dây chằng có thể khiến đôi chân của bạn phình to vĩnh viễn, vì vậy bạn có thể phải đầu tư thêm một vài đôi giày kích cỡ lớn hơn.

Bạn còn nhớ sự thay đổi tâm trạng trước đó trong thai kỳ? Sự kết hợp của các triệu chứng khó chịu và thay đổi nội tiết tố có thể khiến cho những cảm xúc lúc lên lúc xuống đó quay trở lại. Bạn có thể lo lắng về việc sinh nở của mình sẽ ra sao, hoặc liệu mình có phải là người mẹ tốt hay không… đó là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bạn không thể rũ bỏ cảm giác ủ rũ, chán nản hoặc ngày càng cảm thấy khó chịu hay bị kích động, hãy nói với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh. Bạn có thể nằm trong số 10% phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết nếu bạn thường xuyên sợ hãi hay lo lắng.

Bạn có lo lắng về việc sinh con? Bạn không phải là người duy nhất! Dưới đây là một số nỗi lo thường gặp và cách đối phó với chúng.

Tôi sẽ không thể chịu nổi các cơn đau

Theo một thăm dò của BabyCenter, có đến một phần năm số sản phụ cho biết đây là nỗi sợ hàng đầu trong 3 tháng cuối thai kỳ. Một số phụ nữ biết trước rằng họ sẽ muốn dùng thuốc giảm đau trong quá trình sinh nở và, trên thực tế, hầu hết phụ nữ cuối cùng đều chọn cách gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên cũng có những người kiên quyết sinh tự nhiên không dùng thuốc. Họ chấp nhận khả năng bị đau đớn khó chịu và tìm hiểu các kỹ thuật giúp kiểm soát cơn đau. Với sự chuẩn bị và hỗ trợ đúng cách, một số phụ nữ thấy rằng sinh con tự nhiên giúp họ mạnh mẽ hơn và hoàn toàn hài lòng.

Tôi sẽ phải cắt tầng sinh môn hoặc tôi sẽ bị rách.

Cắt tầng sinh môn là một vết cắt phẫu thuật ở khu vực cơ giữa âm đạo và hậu môn (đáy chậu), được thực hiện ngay trước khi sinh để mở rộng cửa âm đạo. Một số phụ nữ bị rách một cách tự nhiên trong lúc sinh con và vết rách có thể dao động từ gần như không thể phát hiện đến nặng, đòi hỏi một số lượng đáng kể các mũi khâu để “sửa chữa”. Mặc dù đã có thời gian phẫu thuật cắt tầng sinh môn là việc gần như bắt buộc, nhưng nay quan niệm này không còn nữa và các chuyên gia đều đồng ý rằng việc này không nên được thực hiện thường xuyên.

Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn xem họ phải thực hiện phẫu thuật này trong trường hợp nào, thường xuyên đến mức nào, và làm thế nào giúp bạn tránh trường hợp bị rách hoặc phải cắt tầng sinh môn. Có một số bằng chứng cho thấy bạn sẽ ít có khả năng phải khâu lại nếu bắt đầu xoa bóp đáy chậu trong khoảng năm tuần trước ngày sinh.

Tôi sẽ bị đại tiện trong quá trình sinh nở.

Trong một thăm dò BabyCenter, 70% phụ nữ cho biết họ sợ sẽ đại tiện trong khi sinh, 39% cho biết họ thực sự đã làm thế, và trong số đó, chỉ có 22% là xấu hổ bởi điều đó. Nói ra thì khó tin, nhưng nếu bạn bị đại tiện trong khi đang rặn, sẽ chẳng ai thèm lấy đó làm điều đáng nói. Hộ lý của bạn sẽ làm sạch thậm chí trước cả khi bạn biết chuyện gì đã xảy ra.

Tôi sẽ bị can thiệp y tế quá mức và không cần thiết.

Cách tốt nhất để đối phó với nỗi sợ này là nói chuyện thẳng thắn với bác sĩ. Nếu bác sĩ biết được mong muốn của bạn (hãy nghĩ đến chuyện viết ra kế hoạch sinh con), họ có thể cố gắng làm theo. Nếu tin tưởng và tôn trọng bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của mình, bạn có thể yên tâm rằng họ sẽ làm điều tốt nhất cho bạn và con trong ngày sinh nở. Một cách khác để giảm bớt nỗi sợ này là thuê bà mụ – một người đỡ đẻ chuyên nghiệp. Đó có thể là người hỗ trợ bạn tại bệnh viện.

Tôi sẽ phải sinh mổ.

Từ con số 20% phụ nữ sinh mổ thì nỗi sợ hãi này là điều dễ hiểu. Nếu bạn luôn mong muốn sinh thường, việc phải sinh mổ có thể khiến bạn thất vọng. Một số bà mẹ nói rằng họ cảm thấy như bị lừa, đặc biệt là khi đã học các lớp sinh con và mơ về “ca sinh lý tưởng”, hoặc cảm thấy rằng sinh mổ không thực sự cần thiết. Những người khác nói rằng họ cảm thấy như thể mình không hoàn thành thiên chức, vì cần phải mổ mới sinh con được. Nếu bạn có cảm giác này, có thể phải mất một thời gian để dung hòa giữa thực tế với những gì bạn tưởng tượng trong quá trình mang thai. Có thể bạn sẽ được an ủi khi biết rằng nhiều phụ nữ sau khi sinh, cho dù sinh thường hay sinh mổ, thấy mọi chuyện rất khác so với những gì họ mong đợi.

Tôi sẽ không đến bệnh viện kịp thời.

Sinh con khẩn cấp tại nhà là rất hiếm, đặc biệt là khi sinh lần đầu tiên. Nhưng nếu bạn không thể xua đi nỗi sợ hãi này, hãy xem qua hướng dẫn sinh con khẩn cấp tại nhà để biết phải làm gì trong trường hợp này.

Hoạt động của tuần này

Lắp ráp đồ dùng cho bé là một việc tuyệt vời cho chồng bạn hoặc một người bạn nào đó muốn giúp đỡ. Giường cũi, nôi và xe đẩy vốn khó lắp ráp, nhất là khi bạn đang bị thiếu ngủ, vì vậy hãy bắt đầu ngay bây giờ. Nôi đưa, điện thoại di động, và màn hình giám sát, tất cả đều cần có pin, do đó hãy đảm bảo rằng bạn có đủ trong tay. Hãy xem xét việc dùng pin sạc và bộ sạc pin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *